Sửa đổi Luật KH&CN: Bổ sung, làm rõ nội hàm đổi mới sáng tạo

95

Sửa đổi Luật KH&CN: Bổ sung, làm rõ nội hàm đổi mới sáng tạo

Dự kiến, Luật Khoa học và công nghệ 2013 sẽ được đổi tên thành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Việc bổ sung, làm rõ nội hàm ĐMST được kỳ vọng sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ĐMST, đồng thời khuyến khích hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước.

tm-img-alt

Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Chính thức hóa khái niệm ĐMST

Theo Báo cáo chỉ số ĐMST toàn cầu 2023, Việt Nam tăng hai bậc lên vị trí thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam cũng được xếp hạng là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua.

Các hoạt động về ĐMST, khởi nghiệp ĐMST nước ta ngày càng phát triển và đạt được một nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2023, chỉ số ĐMST (GII) của Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp (sau Ấn Độ xếp hạng 40). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Iran). Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam).

Luật Khoa học và Công nghệ được Quốc hội thông qua vào ngày 18/6/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 bao gồm 11 Chương, 81 Điều. Qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã cập nhật những thách thức và xu hướng mới, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ nhằm thúc đẩy KH&CN trong giai đoạn 2015-2020.

Tuy nhiên Luật Khoa học và Công nghệ 2013 được ban hành trong bối cảnh đất nước ta mới trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chưa lâu, các hoạt động KHCN tập trung chủ yếu ở khu vực công, hoạt động KHCN ở khu vực doanh nghiệp chưa phát triển mạnh mẽ, chưa có tác động sâu rộng để thúc đẩy hoạt động KHCN trong doanh nghiệp.

Bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội và KHCN trong nước và đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của KH&CN thế giới hiện nay đòi hỏi Luật Khoa học và Công nghệ cần được cập nhật, hoàn thiện để làm rõ hơn nội dung, nội hàm quản lý đối với một lĩnh vực có khả năng tăng trưởng nhanh và có vai trò ngày càng quan trọng như KHCN và ĐMST đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt hoạt động ĐMST và khởi nghiệp ĐMST đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội.

Ngày 28/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 457/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Phó Trưởng ban. Các thành viên gồm đại diện Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, cơ quan: Văn phòng Chính phủ; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội; Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Ban Chỉ đạo đã thống nhất tên gọi của dự án luật là Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với 3 nội hàm: Khoa học, công nghệ và ĐMST cần được gắn trong một thể thống nhất, hướng đến làm rõ hơn quy định về ĐMST, từ các khái niệm liên quan, nội hàm của ĐMST đến các chính sách.

Theo dự thảo luật, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất 8 nhóm chính sách về: Đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo; đổi mới hoạt động của tổ chức khoa học, công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; phương thức triển khai chương trình, nhiệm vụ khoa học, công nghệ; sử dụng ngân sách, thu hút đầu tư; phát triển hạ tầng; phát triển thị trường khoa học, công nghệ; phổ biến tri thức.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo để xây dựng một dự án luật, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với sự phát triển của KH&CN, mà còn là một cách tiếp cận mới nhằm nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.

Khái niệm ĐMST đã được định nghĩa trong Luật KH&CN 2013 và cũng có thể xuất hiện trong một số luật khác. Tuy nhiên, nội hàm đầy đủ của ĐMST cùng các thành tố liên quan đến nó vẫn chưa được quy định rõ ràng trong bất kỳ văn bản pháp luật nào. Việc sửa đổi Luật KH&CN lần này dự kiến sẽ chính thức hóa khái niệm ĐMST, đồng thời thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia, khuyến khích hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động KH&CN, ĐMST

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, trong các đề xuất sửa đổi Luật KH&CN đã đưa ra một số nhóm chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp, viện nghiên cứu cũng như trường đại học. Theo đó, các trường đại học đang dần trở thành những chủ thể nghiên cứu mạnh, tương đương với các viện nghiên cứu. Để phát triển hoạt động KH&CN trong các trường đại học, cần có nội dung nghiên cứu, nội dung hoạt động và thậm chí là kinh phí đầu tư cho các trường đại học.

Để thúc đẩy hoạt động ĐMST, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, cần sự tham gia hỗ trợ từ nhiều thực thể khác. Ví dụ như các quỹ đầu tư tài chính, các cơ quan nhà nước, các tổ chức trung gian, các dịch vụ tài chính, các tổ chức về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, cũng như các tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ đều đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ĐMST.

“Chúng tôi rất mong muốn đề xuất tách biệt đội ngũ nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học khỏi quan niệm coi họ như cán bộ của đơn vị sự nghiệp công lập. Giống như ở các nước trên thế giới, giảng viên và nghiên cứu viên được khuyến khích tham gia điều hành các doanh nghiệp do viện nghiên cứu và trường đại học thành lập, dựa trên kết quả nghiên cứu và sở hữu trí tuệ của họ. Điều này giúp đưa hoạt động ĐMST từ doanh nghiệp đến gần hơn với trường đại học, thậm chí ngay trong trường đại học. Chúng ta cũng sẽ khuyến khích thành lập các doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) trong trường đại học. Những doanh nghiệp này không chỉ tạo nguồn thu cho trường đại học mà còn giúp thương mại hóa các kết quả nghiên cứu”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết.

Trước thực tế các nhà quản lý thường yêu cầu chi tiêu và quản lý ngân sách phải được thực hiện rất chặt chẽ, trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng lĩnh vực KH&CN có tính rủi ro, độ trễ và tính mạo hiểm, không phải lúc nào cũng cho kết quả ngay lập tức. Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, cần tìm cách cân bằng giữa hoạt động KH&CN với những yêu cầu này. Để đạt được điều này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan KH&CN và cơ quan tài chính để hiểu nhau và phối hợp hiệu quả. Theo dự kiến, sẽ đề xuất trong dự án Luật các quy định về việc xác định cái gì là tài sản và cái gì không phải là tài sản trong kết quả KH&CN. Ví dụ, những kết quả đã được công bố rộng rãi và trở thành tri thức của nhân loại không thể coi là tài sản riêng được.

Việc chia sẻ quan điểm này sẽ giúp điều chỉnh hành lang pháp lý của Luật KH&CN, cũng như các luật khác, để trở nên phù hợp và hoạt động hiệu quả hơn, từ đó tạo ra một môi trường thông thoáng cho hoạt động KH&CN và ĐMST.

Theo nhiều chuyên gia, đây là lần đầu tiên khái niệm ĐMST được chính thức hóa và điều này sẽ giúp xây dựng một văn hóa mới cho người Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, dù dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về ĐMST như: các thuật ngữ, quy định, tiêu chí, hệ thống ĐMST quốc gia, vùng, ngành…, tuy nhiên, vẫn cần làm rõ định nghĩa về ĐMST trong bối cảnh KH&CN đã phát triển vượt bậc với nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn như hiện nay.

ĐMST đã trở thành xu hướng toàn cầu, là hoạt động không thuần tuý như KH&CN mà phải kèm theo tư duy kinh tế, quản lý, đồng thời, kết nối giữa khoa học và cuộc sống. Việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ lần này dựa trên 5 chính sách lớn, kế thừa có chọn lọc các quy định hiện hành. Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi sẽ thiết kế đầy đủ, toàn diện các giải pháp thúc đẩy không chỉ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mà còn thực sự chú trọng hơn tới các giải pháp thúc đẩy ứng dụng và truyền bá tri thức trong thực tiễn. Không phân biệt đối xử công - tư, khuyến khích, thúc đẩy để huy động sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của khu vực ngoài công lập, khu vực tư nhân trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST.

Minh Hà

Nguồn: vusta.vn

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN